Phân tích nhân vật ông Sáu trong Chiếc lược ngà hay nhất

Phân tích nhân vật ông Sáu trong Chiếc lược ngà và đôi nét về tác giả, tác phẩm sẽ được nêu ra trong bài viết này. Các em học sinh hãy tham khảo nhé!

Nguyễn Quang Sáng là một nhà văn lớn của dân tộc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Có rất nhiều tác phẩm của ông được đưa vào chương trình giảng dạy các cấp. Điển hình trong số đó là Chiếc lược ngà với nhân vật ông Sáu đã để lại nhiều ấn tượng. Hãy cùng phân tích nhân vật ông Sáu trong Chiếc lược ngà để hiểu hơn nhé.

Phân tích nhân vật ông Sáu trong Chiếc lược ngà

Content

Khái quát đôi nét về tác giả tác phẩm

Tác giả

Nguyễn Quang Sáng là nhà văn lớn của dân tộc, quê gốc của ông ở An Giang. Các tác phẩm của ông thường viết về cuộc sống và con người Nam Bộ. Với phong cách viết giản dị, mộc mạc cùng lối hành văn đậm đà sâu sắc. Mỗi tác phẩm của ông đều để lại nhiều dấu ấn trong lòng người đọc.

Tác phẩm

Hoàn cảnh sáng tác

Chiếc lược ngà được viết vào năm 1966. Đây là thời điểm ông hoạt động ở chiến trường Nam Bộ, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Văn bản được nghiên cứu trong sách chỉ là phần giữa của truyện.

Bố cục

Chiếc lược ngà được chia là ba phần.

Phần đầu từ đầu cho đến “chị cũng không muốn bắt nó về”. Đoạn này kể lại việc bé Thu không nhận ông Sáu là ba. Do ông Sáu đi chiến đấu xa nhà đã lâu, đợt này cũng chỉ về nghỉ phép được ba ngày.

Phần hai là đoạn tiếp đó cho đến “vừa nói vừa từ từ tuột xuống”. Bé Thu đã nhận ông Sáu là ba của mình. Sau đó là cuộc chia tay của hai cha con.

Phần còn lại kể về việc ông Sáu hi sinh trên chiến trường và câu chuyện về chiếc lược ngà.

Ý nghĩa của nhan đề Chiếc lược ngà

Chiếc lược ngà là điểm nhấn tạo nên sự phát triển của tình huống truyện. Nó là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa các nhân vật với nhau. Chiếc lược ngà trong tâm tưởng của mỗi người mang một ý nghĩa riêng.

Với bé Thu, chiếc lược là vật kỉ niệm duy nhất của ba dành cho em. Chiếc lược nhắc nhở em luôn nhớ về cha. Khát khao, mong mỏi gặp cha ngày một lớn hơn trong em.

Với ông Sáu, chiếc lược là quà kỉ niệm chất chứa bao tâm tình ông dành cho con gái nhỏ. Đó là cả sự mong chờ ngày sum họp, đoàn viên.

Với ông Ba, chiếc lược là vật ủy thác, chất chứa nhiều kỉ niệm và cả nỗi đau. Đó là nỗi mất mát không thể xóa nhòa. Chiến tranh cướp đi người cha yêu quý của một gia đình.

Như vậy, chiếc lược ngà vừa là đồ vật nhưng cũng là kỷ vật. Đó là biểu tượng của tình đồng chí, đồng đội và tình cha con mãnh liệt. Đặt tên tác phẩm là Chiếc lược ngà góp phần làm rõ chân dung câu chuyện, chủ đề tác phẩm.

Đặc sắc nghệ thuật

Chiếc lược ngà được kể theo lời của bác Ba, giúp tăng tính chân thực của vấn đề. Tình huống truyện có nhiều điểm bất ngờ nhưng vẫn tự nhiên và rất hợp lý. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật sâu sắc, thể hiện qua cử chỉ, hành động và cả lời nói.

Dàn ý phân tích nhân vật ông Sáu trong Chiếc lược ngà

Mở bài

Giới thiệu đôi nét về tác phẩm Chiếc lược ngà và nhân vật ông Sáu.

Khẳng định những nét đẹp, phẩm chất tốt của nhân vật. Đó là người cha giàu tình yêu, người lính dũng cảm.

Thân bài

Ông Sáu là người chiến sỹ dũng cảm và giàu lòng yêu nước

Ông đã tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong suốt một thời gian dài, ông phải xa gia đình, xa con để chiến đấu.

Ông hy sinh khi đang tham gia đánh trận.

Ông Sáu là người thương con vô bờ bến

Trong suốt tám năm xa gia đình, thứ ông hình dung về đứa con chỉ là những bức ảnh. Khi được về với gia đình, ông vội vàng, muốn thật nhanh ôm chầm lấy con. Niềm xúc động không thể kìm nén được, thể hiện trên vết sẹo lăn dài. “Vết thẹo dài bên má phải lại đỏ ửng lên, giần giật, trông rất dễ sợ”, “giọng lặp bặp run run…”. Ông cảm giác hụt hẫng khi bé Thu không nhận ra mình.

Chỉ trong ba ngày ngắn ngủi, ông tìm cách để bù đắp tình yêu thương cho con. Điều ông mong mỏi nhất chỉ là tiếng gọi ba từ miệng bé Thu. Hành động hất miếng trứng cá ra ngoài trong bữa con, sự từ chối chăm sóc của bé Thu… Ông đã trách phạt con nhưng vẫn không đánh con. Từng hành động lột tả sự bất lực và đau khổ của người làm cha.

Giờ phút chia tay, nghe được tiếng gọi cha, ông hạnh phúc vô cùng. Tình yêu con đã vượt mọi giới hạn, nó vẫn luôn vẹn nguyên, ấm áp và tràn đầy.

Ông về chiến khu luôn nhớ  về người con gái. Ông tự tìm ngà voi để đẽo thành chiếc lược cho bé Thu. Trước khi mất, ông đã gửi gắm chiếc lược để nhờ người bạn mang về trao cho con gái. Tình cha con không gì xóa nhòa được.

Kết bài

Tổng kết lại vấn đề.

Ấn tượng của bản thân về nhân vật ông Sáu. Bài học về sự biết ơn và trân trọng những anh hùng đã ngã xuống vì hòa bình tổ quốc.

Bài viết phân tích nhân vật ông Sáu trong Chiếc lược ngà

Mỗi một nhà thơ, nhà văn đều ấp ủ nhiều ý định trong tác phẩm thi ca của mình. Họ muốn vẫy vùng trong vùng đất rộng lớn do chính họ hoạt định. Để rồi họ tự do thỏa mãn cái tôi sáng tác của mình. Cùng đứng đó và nhìn ra thế gian xung quanh. Nếu như Nguyễn Trung Thành đau đáu nỗi đau với Tây Nguyên khói lửa, Kim Lân sống cùng người nông dân. Thì Nguyễn Quang Sáng lại chọn cho mình điểm nhìn từ những người dân Nam Bộ. Họ- những người nông dân chất phác, thật thà. Họ- bỏ lại gia đình, vợ con để tham gia chiến trận. Mỗi người một tính cách nhưng nồng cháy yêu thương và ý chí quyết tâm đánh giặc. Viết về chủ đề này, người ta không thể quên nhân vật ông Sáu trong Chiếc lược ngà. Ông là điển hình cho cả thế hệ ông cha Nam Bộ thuở đó. Yêu thương con, yêu gia đình nhưng còn có ý chí quyết tâm đánh giặc sắt đá.

Chiếc lược ngà được viết vào năm 1966 trong thời gian Nguyễn Quang Sáng công tác tại chiến trường Nam Bộ. Đó là câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ giữa hai cha con ông Sáu và bé Thu. Khoảng thời gian xa cách lâu ngày khiến cô bé không nhận ra cha. Ông Sáu dành toàn bộ thời gian nghỉ phép để hàn gắn tình cảm hai cha con. Càng đọc, ta càng cảm nhận được giá trị thiêng liêng của tình mẫu tử. Đồng thời, đó cũng là khía cạnh nhỏ của cuộc sống thời bấy giờ. Chiến tranh đã lấy đi nhiều thứ, nhất là tình cảm gia đình, vợ chồng, cha con…

Chiếc lược ngà được kể theo lời của ông Ba- người bạn chiến đấu của ông Sáu. Do vậy, câu chuyện trở nên chân thực, khách quan hơn.

Xuyên suốt câu chuyện, nhân vật ông Sáu hiện lên với tất thảy vẻ đẹp của người cha, người chiến sĩ.

Chỉ những người sống trong hoàn cảnh chiến tranh mới hiểu hết nỗi lòng của ông Sáu. Ngày ông ra đi theo tiếng gọi Tổ quốc, Thu còn chưa đầy một tuổi. Nỗi nhớ mong khắc khoải của người cha chỉ được thể hiện qua tấm hình cũ. Chừng đó thứ làm sao mà thỏa cho hết nỗi lòng của người làm cha, làm mẹ? Nhưng ở thời điểm đó, dường như nó cũng đã là chỗ dựa tinh thần vững chãi cho người chiến sĩ.

Tình yêu thương vô điều kiện của ông Sáu được thể hiện ngay từ những giây phút đầu được gặp con. Tám năm trời ròng rã, tám năm nhớ mong khiến “cái tình người cha cứ nôn nao trong người anh”. Đứa con xa cách lâu ngày anh vẫn có thể nhận ra trong thoáng chốc. Đó là vì sợi dây liên kết ngầm giữa những người cùng dòng máu. Anh không thể nán lại để chờ thuyền cập bến mà ngay lập tức “nhón chân nhảy thót lên bờ”. Hành động nhanh chóng như để khỏa lấp tất cả chờ mong từng ngày. Nhìn thấy đứa con bé nhỏ đã lớn hơn trước, anh xúc động, “vết thẹo dài bên má lại đỏ ửng lên, giần giật, trông rất dễ sợ”. Đó là dấu vết của chiến tranh, của cái nguồn cơn cho sự xa cách lâu ngày. Anh chẳng còn giữ được bình tĩnh, “giọng lặp bặp run run”… Mấy ai nghĩ rằng, cái người xông pha bao trận trên chiến trường lại có dáng vẻ như thế? Nhưng mọi việc diễn ra không như anh vẫn nghĩ. Anh choáng váng, lo sợ và cảm thấy hụt hẫng khi bé Thu không nhận ra mình. Gương mặt tối sầm lại, đôi tay “buông thõng như bị gãy”. Vừa đau đớn, vừa bất lực khiến anh không thể làm gì khác.

Ông Sáu hiểu sự tình, ba ngày nghỉ phép là quãng thời gian ngắn ngủi để ông bù đắp tình cảm với con. Ông chỉ mong được bé gọi một tiếng “ba” nhưng sao khó quá. Từng cử chỉ quan tâm, chăm sóc của ông đều thể hiện sự quan tâm đến Thu. Ông luôn làm mọi việc, “giả vờ không nghe thấy” và cả việc “dồn nó vào thế bí”… Bao nhiêu hành động là bấy nhiêu ước mong muốn được nghe tiếng gọi ba. Ngỡ đâu là việc bình thường nhưng trong tình cảnh này quả thực rất khó. Đứa con nhỏ chưa hiểu chuyện, nói “trổng” với mình nhưng ông cũng chỉ khẽ lắc đầu rồi cười. Tình yêu lớn của người cha đã khiến ông học cách cảm thông và tha thứ cho lỗi nhỏ của con. Đỉnh điểm là khi trong bữa cơm, Thu hất miếng trứng cá được ba gắp cho. Ông không nghĩ mà đánh nó, để nó bỏ sang bà ngoại. Và rồi, ông lại tự dằn vặt chính mình. Đọc đến đây thôi, nhiều người chắc cũng hiểu được nỗi bất lực của người cha bị con từ chối lớn đến cỡ nào.

Ba ngày phép trở nên ngắn ngủi, dù cố gắng nhưng không thể nào khỏa lấp đi tất cả mất mát trong tám năm qua. Cuộc hội ngộ tưởng như vui vầy lại gặp nhiều biến cố. Người cha không nhận được tình yêu của con, bữa cơm gia đình trở nên lạnh lẽo. Ông Sáu càng cố gắng bao nhiêu thì đứa con càng đẩy ông ra xa.

Nhưng có lẽ, ông trời cũng không muốn ông ra đi mà lòng tràn đầy phiền muộn. Đứa trẻ như vỡ lẽ nhiều chuyện, bèn cất tiếng gọi ba. Tiếng gọi đơn giản nhưng đối với ông Sáu là cả bầu trời mong ngóng. “Anh sáu một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt”. Đó hẳn là giọt nước mắt của sự mãn nguyện, hài lòng và hạnh phúc. Phút chia ly trở nên quyến luyến trong mắt người trong cuộc.

Niềm thương nỗi nhớ của ông Sáu dành cho con gái cộng dồn vào lời hứa làm chiếc lược ngà. Ông thương con lắm, nhớ lắm và còn có cả sự ăn năn, day dứt khi đánh con. Ông tự tìm ngà voi, ngồi tỉ mẩn cưa từng chiếc răng cưa. Mọi việc kỳ công như người thợ bạc. Ông còn gò dòng chữ “Yêu nhớ tặng Thu- con của ba”. Việc làm mất nhiều công sức nhưng đối với ông có lẽ là điều làm ông hạnh phúc nhất. Chiếc lược ẩn chứa cả niềm tin, hy vọng và khát khao đoàn tụ. Tình yêu thương đã khiến người chiến sĩ tưởng như cọc cằn, khô cứng trở thành người nghệ sĩ.

Lần đoàn tụ đó chính là lần cuối cùng ông được gặp con. Trước khi hy sinh, ông vẫn kịp trao cho người bạn chiếc lược với lời hứa “mang về trao tận tay cho cháu”. Lúc này đây, người cha mới an tâm nhắm mắt. Thế mới nói, tình phụ tử thiêng liêng lắm, lớn lao và phi thường đến nhường nào. Chiếc lược ngà giờ đây không chỉ là một vật dụng thông thường. Nó là kỷ vật, là kỉ niệm, là biểu tượng đẹp đẽ cho tình cha con đáng trân quý.

Chiến tranh đã lùi xa cách đây mấy mươi năm lịch sử. Nhưng chúng ta, những thế hệ sau này vẫn cảm nhận được những mất mát mà chiến sĩ và gia đình họ phải chịu. Không ai không mong muốn hòa bình, không ai không mong đoàn tụ. Cảm ơn nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã cho chúng ta áng văn hay. Cho ta hình dung chính xác hơn về tình phụ tử thiêng liêng qua nhân vật ông Sáu. Để rồi, chúng ta biết trân quý hơn cuộc sống hiện tại, quý trọng tình cảm gia đình.

Trên đây là bài viết phân tích nhân vật ông Sáu trong Chiếc lược ngà. Hy vọng, các em học sinh có thể hiểu hơn về nhân vật. Đồng thời, biết cách triển khai vấn đề trong bài nghị luận văn học. Chúc các em luôn học tốt và đạt điểm cao trong mỗi kỳ thi nhé.

Xem thêm: Tóm tắt đoạn trích Những đứa trẻ hay và hoàn chỉnh nhất

Văn Học Lớp 9 -