Nghị luận về văn học và tình thương chi tiết nhất (Văn Lớp 8)

Nghị luận về văn học và tình thương thuộc chương trình Văn lớp 8 sẽ được chúng tôi biên soạn và chia sẻ đầy đủ dàn ý và bài văn trong bài viết này.

Sắp tới đây, trong bài tập làm văn số 7 lớp 8 các em sẽ tiếp cận với dạng đề nghị luận về văn học và tình thương. Có khá nhiều em học sinh tỏ ra bối rối vì không biết cách làm bài này. Dưới đây là một số gợi ý chi tiết để các em tham khảo.

Nội Dung Bài Viết

Dàn ý bài nghị luận về văn học và tình thương

Mở bài

Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận là văn học và tình thương. (Tùy vào sức sáng tạo của các em học sinh mà phần mở bài có thể tiến hành theo kiểu trực tiếp hoặc gián tiếp).

Thân bài

Trình bày một vài nét về nền văn học

Văn học là tấm gương phản chiếu hiện thực đời sống của con người, nó có rất nhiều màu sắc. Văn học thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau với nhiều chủ để xen kẽ. Sự thay đổi thường xuyên để phù hợp với điều kiện thực tế và sự phát triển của xã hội.

Một tác phẩm văn học sẽ bao gồm nội dung, ý nghĩa, nghệ thuật và các bài học được rút ra.

Mỗi quốc gia sẽ có một hệ thống văn học nền tảng, là cơ sở để giáo dục thế hệ trẻ phát triển. Văn học là một phần bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc.

Trình bày mối quan hệ giữa văn học và tình thương

Văn học là tấm gương phản chiếu hiện thực đời sống xã hội. Văn học lấy cái cốt lõi là lòng thương người để tạo nên những giá trị cao cả trong đó.

Các tác phẩm văn học gợi nhớ đến tình thương, lòng nhân ái, bao dung trong con người.

Văn học ngợi ca những tình cảm tốt đẹp của con người. Đó là tình cảm anh em ruột thịt trong cùng một gia đình (dẫn chứng tác phẩm Cổng trường mở ra, Lão Hạc, Cuộc chia tay của những con búp bê). Đó là tình nghĩa làng xóm trong tình cảnh cùng cực, đói rách có nhau. Đó là tình đồng nghiệp, bằng hữu lâu năm mãi không rời.

Văn học còn thẳng tay phê phán những kẻ thờ ơ, nhẫn tâm, dám chà đạp lên số phận của những con người tội nghiệp. Sống thiếu đi tình thương yêu giữa con người với con người như bà cô của Hồng trong tác phẩm Trong lòng mẹ… Hay những kẻ cậy quyền, cậy thế chà đạp lên số phận của người khác như vợ chồng Nghị Quế trong Tắt đèn.

Kết bài

Cảm nghĩ của em về vấn đề trên. Khẳng định mối quan hệ vô cùng mật thiết giữa văn học và tình thương.

Bài viết nghị luận về văn học và tình thương hoàn chỉnh

Con người ta sống và bồi đắp tình cảm bằng những phương thức nào? Là sự cảm nhận chân thực trước những mối quan tâm giữa người với người. Là những câu chuyện kể, là bài ca thường phát trên chiếc TV? Tất cả đều là phương thức biểu hiện tình cảm. Bởi thế người ta mới nói, giữa văn học và tình thương luôn có mối quan hệ vô cùng lớn. Nó không chỉ giúp định hình tính cách của một con người. Mà còn là bài học rút ra nhằm hướng người đọc đến những giá trị tốt hơn trong cuộc sống.

Hẳn rằng trên thế giới này, bất kỳ quốc gia nào cũng đều xây dựng cho mình một nền văn học. Có thể đó là những tác phẩm được cả thế giới biết đến và vinh danh như Leptônxtôi hay Huy-go. Nhưng cũng có thể đó chỉ là những nhà văn, nhà thơ nhỏ với những tác phẩm đăng trên một vài trang tạp chí. Đơn giản là thế nhưng đó là cả một nỗi niềm, một ước mơ về cuộc sống.

Văn học là tấm gương phản chiếu trung thực nhất hiện thực đời sống xã hội. Tại đây, các tác giả có một kho tàng tri thức khai phá để viết nên những áng văn hay, lời thơ xuất thần. Ở mỗi thời điểm khác nhau, những tác phẩm cũng sẽ thay đổi để phù hợp với xu thế tại thời điểm đó.

Mỗi một bài thơ, bài văn, khi tìm hiểu, chúng ta cần nhìn được nội dung, ý nghĩa, giá trị nghệ thuật. Chỉ có như vậy thì người ta mới hiểu được giá trị cốt lõi của tác phẩm. Không chỉ dừng lại ở việc mang đến cho người đọc một cách nhìn mới về đời sống. Văn học còn đại diện cho bản sắc riêng của dân tộc, là cơ cấu nền tảng giáo dục thế hệ trẻ trong tương lai.

Văn học là vậy, còn tình thương là như thế nào? Người ta thường nhắc đến tình thương với nhiều ngôn từ mỹ miều, trầm bổng. Tình thương là sự sẻ chia, đùm bọc, sự thấu hiểu giữa con người với con người. Đó là những tình cảm thiêng liêng nhất, trân quý nhất của một con người. Trái tim con người thổn thức, được thấu hiểu bởi những con tim đồng điệu.

Tình thương đó còn nhiều biến chuyển đa dạng sắc màu với văn học. Thế mới nói, giữa văn học và tình thương luôn có mối quan hệ bền chặt, keo sơn.

Nhà văn Hoài Thanh đã từng nói rằng “nguồn gốc cốt yếu của văn chương tính là tình thương và lòng vị tha”. Trong suốt dặm dài hình thành và phát triển của nền văn học thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng, văn học đã làm tốt vai trò đó của mình.

Văn học ngợi ca tình cảm gia đình cao đẹp, là nét đẹp truyền thống mà cha ông ta giữ gìn. Gia đình là nơi chúng ta cùng nhau trưởng thành, lớn lên, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi. Ở đó, ta thấy tình mẫu tử thiêng liêng không gì thay thế được. Đó là cậu bé Hồng trong “Những ngày thơ ấu” vẫn luôn dành trọn niềm tin yêu với mẹ mình. Dù rằng hằng ngày cậu vẫn phải đối diện với trăm ngàn lời chì chiết của người cô. Đó là tâm trạng bồn chồn, lo lắng cho tương lai cậu con trai bé bỏng sắp vào lớp 1 của người mẹ trong “Cổng trường mở ra”. Đâu đó trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố, người ta còn thấy tình cảm vợ chồng son sắc, thủy chung. Anh Dậu bị bắt và hành hạ vì không đủ tiền nộp sưu thuế. Chị Dậu chạy vạy khắp nơi để chuộc chồng, thậm chí bán cả khoai, chó và đã nung nấu ý định cho con đi ở đợ. Để rồi đến cuối cùng, khi mọi thứ đều chống lại chị, cái vùng dậy của người phụ nữ lực điền khiến ai nấy đều hả dạ. Tình cảm anh em được nâng niu, đùm bọc mà không gì có thể thay thế được. “Anh em như thể tay chân/ Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”.

Không chỉ là tình cảm gia đình, văn học còn hướng người ta đến tình cảm lớn lao hơn. Đó là tình đồng chí, đồng bào, là sự sẻ chia của những người cùng gốc con Rồng cháu Tiên. Truyền thuyết con Rồng cháu Tiên kể về sự tích sinh ra bọc trăm trứng, đại diện cho nguồn cội của con người lúc bấy giờ. Đó là lời dặn cho dù ai đi ngược về xuôi cũng vẫn phải yêu thương, đùm bọc và giúp đỡ nhau khi cần thiết. Chính những bài học vỡ lòng thuở nhỏ đã vun đắp lên tâm hồn mỗi người con đất Việt sự yêu quý đồng loại. Hành động thiết thực nhất chính là việc mỗi khi miền Trung gặp bão lũ là tất cả mọi nơi đều chung sức chung lòng giúp đỡ.

Bên cạnh những tác phẩm ca ngợi giá trị nhân cách con người sâu sắc thì cũng không hiếm tác phẩm phê phán những kẻ vô lương tâm. Đọc Thạch Sanh, người ta thấy một chàng trai Thạch Sanh hiền từ bị mẹ con Lý Thông hại hết lần này đến lần khác. Nhưng may thay, trời cao có mắt, người tốt được đền đáp xứng đáng. Thạch Sanh trở thành Thái tử, mẹ con Lý Thông nhận cái chết tức tưởi. Hay như trong câu chuyện Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, nhân vật bà cô không khỏi khiến người đọc căm phẫn. Bà cô già dành nhiều lời nói cay độc xỉ vả một đứa trẻ chỉ mới mấy tuổi đầu. Bà hết lần này đến lần khác nói xấu mẹ cậu trước mặt cậu bé. Cuộc đời nhiều trái ngang. Đáng ra cậu bé Hồng phải nhận được tình thương của người cô ruột ấy. Nhưng mọi sự lại không diễn ra như vậy.

Hay như ông quan lớn xuất hiện trong tác phẩm “Sống chết mặc bay” khiến người đọc căm phẫn về một chế độ phong kiến. Chế độ mà những kẻ thống trị ra sức đàn áp, ăn chặn trên mồ hôi, xương máu của những người nông dân chân lấm tay bùn. Thời điểm bão lũ, người dân ai nấy đều lo lắng, ra sức hết mình cứu đê. Thì những tên quan đốn mạt kia lại tụ họp nhau đánh tổ tôm. Lương tâm của hắn thối nát đến nỗi có lính vào báo tình hình hắn cũng xua đuổi ra ngoài. Cuối câu chuyện là cảnh nhà tan hoang, lũ cuốn phăng đi tất cả. Bao mồ hôi cả máu và nước mắt của người dân mất hết.

Văn học còn dành nhiều trang thơ văn để ca ngợi sự tự do, lòng bác ái, tình yêu thương đùm bọc của con người với con người. Đồng thời, văn học cũng lên án gay gắt những kẻ sống thiếu trách nhiệm với xã hội, độc đoán, ích kỉ. Văn thơ phản ánh và đề cao truyền thống yêu nước, nhân đạo của cả dân tộc Việt. Mỗi cá thể trong xã hội rộng lớn này cần học cách yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.

Đọc văn học để cảm nhận hết giá trị của cuộc sống này. Còn nhiều lắm những giá trị lớn lao mà chúng ta chưa hiểu hết được về cuộc sống này. Trong những giá trị đẹp đẽ ấy, còn biết bao hình ảnh xấu của những kẻ vì lợi ích cá nhân mà bán rẻ lương tâm. Họ sẵn sàng chà đạp lên giá trị sống của người khác. Mặc cho ai kia có đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất hay không. Đây là một trong những biểu hiện của suy thoái nhân cách, cần được lên án và phê phán.

Văn học rút ra cho chúng ta nhiều bài học đáng quý. Làm người phải biết yêu thương, đùm bọc đồng loại của mình. Giúp đỡ nhau khi hoạn nạn mới là đáng quý, là truyền thống mà bao lâu nay ông cha ta vẫn thường dạy. Tuy nhiên, hãy đặt tình thương của mình đúng nơi, đúng chỗ, nếu không bạn rất dễ bị lợi dụng. Mọi việc xuất phát từ chính tâm của mình sẽ luôn được đền đáp xứng đáng.

Một lần nữa, xin khẳng định lại rằng, mối quan hệ giữa văn học và tình thương không gì có thể thay thế được. Cũng như Tố Hữu xưa còn nói rằng “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người với người sống để yêu nhau”. Mỗi chúng ta là một mầm non tương lai của đất nước, sau này sẽ tiếp nối công cuộc xây dựng đất nước lớn mạnh. Hiểu rõ về tầm quan trọng của văn học để cùng bồi đắp nên những giá trị vốn có của con người.

Trên đây là bài viết nghị luận về văn học và tình thương do chúng tôi biên soạn. Hy vọng đây sẽ là nguồn tài liệu hữu ích để các em tham khảo. Hãy thêm một vài ý tưởng cá nhân của mình vào bài viết để nó phong phú hơn. Chúc em học tập tốt và đạt điểm cao trong mỗi kì thi sắp tới nhé.

Xem thêm: Phân tích vẻ đẹp tâm hồn của Bác qua bài thơ Ngắm trăng

Văn Học Lớp 8 -