Phân tích vẻ đẹp tâm hồn của Bác qua bài thơ Ngắm trăng

Vẻ đẹp tâm hồn của Bác qua bài thơ Ngắm trăng sẽ được phân tích cụ thể để giúp bạn thấu hiểu các suy tư của người nghệ sĩ trong chốn lao tù.

Hồ Chí Minh là một trong những nhà thơ lớn, doanh nhân văn hóa thế giới được vinh danh. Bác không chỉ để lại cho dân tộc kiến thức thao lược mà còn có một kho tàng văn học đồ sộ. Trong đó, bài thơ Ngắm trăng là tác phẩm chứa nhiều suy tư của người nghệ sĩ trong chốn lao tù. Hãy cùng nhau phân tích và làm rõ hơn vẻ đẹp tâm hồn của Bác qua bài thơ Ngắm trăng.

Vẻ đẹp tâm hồn của Bác qua bài thơ Ngắm trăng

Contents

Đôi nét về tác giả, tác phẩm

Tác giả

Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam được cả thế giới nể phục. Người sinh ra ở vùng quê hiếu học và giàu truyền thống cách mạng Nghệ An. Năm 1911, người ra đi tìm đường cứu nước và trở về quê nhà hoạt động cách.

Bác được biết đến không chỉ là một nhà quân sự tài ba mà còn là nhà thơ, nhà văn lớn của dân tộc. Bác được vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới. Có rất nhiều tác phẩm của người đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Những nội dung trong thơ Bác đều thể hiện tình yêu thiên nhiên, đất nước với tình yêu vô bờ bến cùng niềm tự hào đến vô cùng. Lời thơ hồn hậu, nhẹ nhàng, sâu lắng, thấm sâu vào tâm hồn của mỗi con người.

Tác phẩm

Ngắm trăng thuộc chùm thơ Nhật ký trong tù của Bác, là sáng tác trong những ngày bị giam giữ ở nhà tù Tưởng Giới Thạch, Trung Quốc. Bài thơ thể hiện tình yêu say mê đối với thiên nhiên đất trời. Dù cho Bác đang ở trong hoàn cảnh không mấy vui vẻ gì.

Ngắm trăng sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt giản dị nhưng vẫn diễn tả đầy đủ ý nghĩa. Hình ảnh thơ trong sáng, mộc mạc cùng lời thơ nhẹ nhàng, lãng mạn, thấm sâu vào tâm hồn người đọc. Thơ Bác có sự hòa trộn phong cách cổ điển và hiện đại, tạo nên sự khác biệt.

Dàn ý phân tích vẻ đẹp tâm hồn Bác qua bài thơ Ngắm trăng

Mở bài

Giới thiệu khái quát về nội dung. Khẳng định tâm hồn cao đẹp của Bác trong tác phẩm.

Thân bài

Trình bày đôi nét về hoàn cảnh ra đời của bài thơ Ngắm trăng.

Vẻ đẹp của Bác Hồ nằm ở tâm hồn giàu chất nghệ sĩ cùng phong thái ung dung, lạc quan khi làm cách mạng.

Tình yêu thiên nhiên luôn thường trực trong tâm khảm người chiến sĩ. Chính bởi vậy mà ánh trăng đã khiến tâm hồn người chí sĩ yêu nước thêm băn khoăn, bối rối.

Trong ngục tù nhiều gian khổ, bị tra tấn thảm khốc. Nhưng Bác vẫn luôn bình tĩnh, lạc quan và không hề tỏ ra sợ sệt kẻ thù. Khung sắt kia có thể giam cầm được con người Bác nhưng không thể nhốt được khát khao tự do của Người

Tất cả đều kết tinh từ bản chất người chiến sĩ trong con người Bác. Lòng yêu nước, thương dân cùng sự cảm thụ thiên nhiên sâu sắc đã kết tinh nên những giá trị trên.

Chung quy lại, vẻ đẹp tâm hồn Bác là sự kết hợp hài hòa giữa tâm hồn người chiến sĩ và người thi sĩ.

Kết bài

Tổng kết lại vấn đề. Khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của Bác Hồ.

Bài viết nói về vẻ đẹp tâm hồn của Bác qua bài thơ Ngắm trăng

Nhắc đến Bác Hồ, người ta không chỉ nhớ về vị lãnh tụ tài ba, đã giúp Việt Nam giành lại được độc lập dân tộc. Mà Bác còn là biểu tượng của nền thi ca cách mạng thời kháng chiến. Tập thơ nổi tiếng nhất của Bác là Nhật ký trong tù. Đó là câu chuyện kể về chuỗi ngày bị giam cầm trong ngục tù . Hãy cùng cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn Bác trong hoàn cảnh tăm tối đó qua bài thơ Ngắm trăng.

Ngắm trăng thuộc bài thơ số 20 trong tuyển tập thơ Nhật ký trong tù vào thời điểm Bác bị giam cầm và tra tấn bởi nhà lao Tưởng Giới Thạch tại Trung Quốc. Suốt hơn một năm trời, người chịu cực khổ, bị đày đọa qua nhiều nhà giam lớn nhỏ của 13 huyện của tỉnh Quảng Tây. Giữa thời gian này, Bác đã viết nên Nhật ký trong tù với mục đích giải khuây là chính. Tuy nhiên, với lời thơ dung dị, cách thể hiện mộc mạc, đơn giản, dễ thẩm thấu vào lòng người đọc. Bài thơ đã thể hiện rõ chí khí của một chiến sĩ yêu nước. Đồng thời chân dung một con người lạc quan, ung dung, nhạy cảm với thời cuộc, với thiên nhiên cây cỏ cũng được bộc lộ rõ. Ngắm trăng là những cảm xúc chân thật của chàng thi sĩ nọ cảm thán trước vẻ đẹp của ánh trăng đêm khuya. Khung sắt kia có thể giam cầm được thân xác Người, nhưng tâm hồn lại đã “vượt ngục” từ lâu. Đó là một biểu tượng vô cùng đẹp đẽ, biểu hiện cho tâm thế: “Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao” của Người.

Đọc hai câu thơ đầu, nhà thơ gợi mở không gian nhà tù trống trải nhưng sao lại cứ khiến người đọc thấy thi vị?

Ngục trung vô tửu diệc vô hoa

Đối thử lương tiêu nại nhược hà?

Dịch thơ:

Trong tù không rượu cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ

Điệp từ “vô” được nhắc lại đến hai lần để nhấn mạnh sự thiếu thốn nơi chốn tù ngục. Không có rượu và cũng chẳng có hoa. Vốn dĩ, đây là những thứ tối thiểu để một thi sĩ sáng tác nhưng lại không thể có được. Thế mà cảnh vật lại trái ngược hoàn toàn khiến người ấy phải thốt lên rằng “cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ”. Ở phần phiên âm, đây là một câu hỏi “nại nhược hà” thể hiện sự băn khoăn của tác giả khi đứng trước vẻ đẹp của đất trời. Nỗi băn khoăn đó trông rất thực, chỉ có người yêu thiên nhiên sâu sắc mới có biểu hiện như vậy. Bác khát khao được tắm mình dưới ánh trăng đó. Từng câu, từng chữ thoát ra đều mang phong thái của một người nghệ sĩ. Nhưng đâu đó lại thấy ẩn hiện tinh thần thép- cái tinh thần hiện hữu ở hầu hết những người chí sĩ đương thời. Gông xiềng, tra tấn, dụ dỗ không làm biến đổi con người Bác. Ngược lại, nó khiến Bác rộng lòng hơn để đón nhận và ngắm nhìn cho bằng hết vẻ đẹp thiên nhiên.

Cảnh thì đẹp nhưng chỉ mấy câu thơ vẫn chưa thể hiện hết tấm lòng của người thi sĩ. Ngay lúc này, Bác chỉ có thể để tâm hồn thoát ra khỏi không gian lạnh lẽo chốn lao tù. Để thả hồn cùng thiên nhiên, cây cỏ, hòa mình vào không gian cao rộng kia, làm bạn với ánh trăng lấp lánh. Cách đối đãi hết sức chân tình, ân ái, Người ngắm trăng như đang tâm tư với chính một người tri kỷ. Thật chân thành, tình nghĩa và cũng chất chứa sự lãng mạn, mộng mơ.

“Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt

Nguyệt tòng song khích khán thi gia”

Thật bất ngờ, cuộc hội ngộ đầy thú vị giữa người và trăng, trăng và người. Hai tâm hồn giao cảm, hai người hòa vào làm một, cùng trao nhau tấm chân tình. Người thì ở trong khung sắt ngắm vẻ đẹp của trăng. Trăng thì cố rướn mình, tỏa ánh hào quang rạng rỡ “nhòm” nhà thơ qua khung cửa sổ. Tình cảnh oái oăm nhưng tình cảm là chân thật. Không gian yên bình tĩnh lặng đến ngạc nhiên khiến cho sự giao hòa, giao cảm càng thêm chân thật. Việc “nhòm” của trăng là một hình tượng nhân hóa, khiến người đọc cảm nhận được ánh trăng kia cũng có hồn. Cũng biết đồng cảm và sẻ chia với người thi sĩ. Khoảnh khắc lãng mạn, chất nhạc, chất họa đã khỏa lấp đi không gian xung quanh. Người ta không còn nhớ về chốn tối tăm này nữa. Mà thay vào đó là bức tranh đêm sáng bừng tràn sức sống. Có thể nói rằng, dù ở đâu, trong địa thế như thế nào, thì chỉ cần người có hồn thẩm cảnh, mọi thứ đều tạo nên một mối quan hệ đặc biệt.

Bài thơ Ngắm trăng của Bác Hồ khắc họa rõ nét tâm hồn lạc quan, yêu thiên nhiên, hòa mình vào thiên nhiên cảnh vật của người. Đồng thời, bài thơ thêm một lần khẳng định phong thái ung dung của người chí sĩ yêu nước thời bấy giờ. Gian nguy, khó khăn hay thử thách không làm nguội lạnh trái tim đỏ kia. Có lẽ, đây là nguồn động lực lớn lao giúp họ vượt qua tất cả, quyết tâm giành lại độc lập cho dân tộc.

Bài thơ Ngắm trăng được viết theo thể thơ Thất ngôn tứ tuyệt đường luật. Câu từ ngắn gọn, súc tích. Tác phẩm mang đậm nét hiện đại pha chút cổ điển tạo sự mới mẻ cho phong cách thơ của Hồ Chí Minh. Thơ của Người để lại nhiều cảm xúc trong lòng độc giả, càng đọc càng thấy thấm sâu ý nghĩa.

Trên đây là nội dung bài phân tích vẻ đẹp tâm hồn của Bác qua bài thơ Ngắm trăng do chúng tôi biên soạn. Hy vọng với những gợi ý kể trên, các em học sinh có thể sử dụng ngôn từ của mình để hoàn thiện bài viết. Chúc các em luôn học tập tốt và đạt kết quả cao.

Xem thêm: Bố cục và tóm tắt Chiếu dời đô hay và chi tiết nhất

Văn Học Lớp 8 -