Phân tích hình tượng người thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa

Phân tích hình tượng người thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa sau, sẽ giúp học sinh hiểu rõ hơn về người thanh niên hết mình vì công việc.

Mỗi tác phẩm văn học đều có những nhân vật, những lời thoại để lại ấn tượng riêng. Trong chương trình Ngữ văn lớp 9, chúng ta không thể bỏ qua truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của nhà văn Nguyễn Thành Long. Câu chuyện là bức chân dung của người thanh niên trẻ hết mình vì công việc. Hãy cùng phân tích hình tượng người thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa để hiểu hơn về điều này.

Phân tích hình tượng người thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa

Contents

Khái quát về tác giả tác phẩm

Tác giả

Nguyễn Thành Long là tác giả của nhiều tác phẩm văn học đặc sắc. Có thể kể đến như Bát cơm cụ Hồ, Gió bấc nồm, Chuyện nhà chuyện xưởng….

Ông nổi tiếng là một cây bút chuyên dòng truyện ngắn trong thời kỳ chống Pháp. Ông đã vinh dự được nhận giải thưởng Phạm Văn Đồng nhờ tập truyện ký Bát cơm Cụ Hồ viết năm 1953.

Tác phẩm

Hoàn cảnh sáng tác

Lặng lẽ Sa Pa là kết quả của chuyến đi lên Lào Cai của chính tác giả. Tác phẩm được viết vào năm 1970.

Tình huống truyện được xây dựng dựa trên cuộc gặp gỡ của ba nhân vật. Đó là ông họa sĩ, cô kĩ sư trẻ cùng anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn. Qua tác phẩm, chân dung những con người hăng say làm  việc dựng xây đất nước hiện lên rõ nét. Nguyễn Thành Long cũng ca ngợi sự hy sinh thầm lặng của những thanh niên đó.

Tóm tắt truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa

Lặng lẽ Sa Pa là cuộc trò chuyện giữa ông họa sĩ già, chàng thanh niên và cô kĩ sư trẻ. Anh thanh niên mới chỉ 27 tuổi làm công tác khí tượng và vật lý trên đỉnh núi Yên Sơn.

Ông họa sĩ và cô kĩ sư được anh thanh niên mời lên thăm nơi ở của mình. Cuộc sống nhiều khó khăn nhưng anh vẫn hăng say làm việc. Trong hình dáng của chàng trai trẻ là nét đẹp của người dân lao động.

Ông họa sĩ muốn vẽ chân dung anh thanh niên nhưng bị từ chối. Anh ấy gợi ý hai người khác xứng đáng hơn. Đó là ông kỹ sư trồng ra và người cán bộ nghiên cứu sét. Cuộc trò chuyện kết thúc để lại nhiều tâm tư trong lòng mỗi người. Hành trình đó lại tiếp tục, hứa hẹn một ngày không xa sẽ quay trở lại.

Dàn ý phân tích hình tượng người thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa

Mở bài

Giới thiệu khái quát về tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận là nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa. Khẳng định một số phẩm chất vốn có của anh thanh niên trẻ.

Thân bài

Nhân vật anh thanh niên qua góc nhìn của tác giả

Công việc đầy rẫy những khó khăn, hoàn cảnh sống thiếu thốn nhiều bề. Anh thanh niên đảm nhận “công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu”. Đây là công việc đòi hỏi độ chính xác và cực kỳ tỉ mỉ. Cuộc sống cô đơn khiến chàng trai có cảm giác thèm người. Sống ở độ cao hơn 2600 mét, quanh năm chỉ có “cây cỏ và những mây mù lạnh lẽo”

Anh thanh niên mang nhiều phẩm chất tốt đẹp. Là người có tính kỷ luật cao, gọn gàng, yêu thích công việc của mình. Tấm lòng rộng mở và rất hiếu khách. Anh biết cách quan tâm đến những người xung quanh bằng cách dành tặng món quà nhỏ cho khách. Mọi công việc đều được anh sắp xếp một cách khoa học và hợp lý. Thú vui tao nhã luôn được anh tận hưởng chính là đọc sách. Anh là người sống khiêm tốn và chân thật.

Những giá trị mang lại từ hình tượng anh thanh niên

Ca ngợi sự hi sinh thầm lặng, sức lao động của những người tham gia công cuộc dựng xây đất nước.

Lao động khiến mỗi người dân lao động nổi bật lên những nét đẹp độc đáo. Đó không chỉ là nét đẹp lao động mà đó còn là nét đẹp tâm hồn.

Kết bài

Khái quát lại phẩm chất của hình tượng anh thanh niên trong tác phẩm. Liên hệ bản thân.

Bài viết phân tích hình tượng người thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa

Nhắc đến Nguyễn Thành Long, người ta nhớ nhiều đến các tác phẩm nổi tiếng như Bát cơm cụ Hồ, Chuyện nhà chuyện xưởng… Trong đó, người ta còn nhắc đến truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa. Đó là câu chuyện về cuộc gặp gỡ của những người với nhiều lý tưởng mới. Những con người luôn tìm kiếm chân lý cuộc đời, khát khao được cống hiến vào công cuộc xây dựng đất nước. Nổi bật trong tất cả hình tượng đó hình tượng anh thanh niên. Con người hăng say lao động, yêu đất nước bằng tình yêu đất nước sâu sắc.

Câu chuyện sẽ chẳng có gì nếu như không có cuộc gặp gỡ giữa những người xa lạ. Đó là ông họa sĩ già, cô kỹ sư trẻ và chàng thanh niên làm khí tượng. Anh thanh niên hiện lên với nhiều phẩm chất tốt đẹp.

Chẳng rõ anh thanh niên ấy tên là gì, chỉ biết rằng anh đảm nhận nhiệm vụ làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu. Đây là công việc có độ khó cao và tỉ mỉ, không phải ai cũng làm được việc này. Công việc là thế nhưng hoàn cảnh sống lại trái ngược lại. Anh sống một mình trên đỉnh núi Yên Sơn, cách mặt đất đến hơn 2600 mét. Chúng ta sẽ chẳng thấy được thứ hoa cỏ lạ lẫm, đơn thuần chỉ là “cây cỏ và mây mùa lạnh lẽo”. Sự khó khăn, thiếu thốn của cuộc sống khiến nhiều người đã nghĩ đến việc bỏ cuộc. Nhưng với anh thanh niên thì không. Đó như là nguồn động lực để tiếp sức anh cố gắng hơn mỗi ngày.

Ở anh toát lên những phẩm chất tốt đẹp của một người thanh niên trẻ. Đây có lẽ cũng là những phẩm chất cần có của một thế hệ lúc bấy giờ. Thế hệ sinh ra và lớn lên cùng tiến trình xây dựng và bảo vệ đất nước.

Anh thanh niên là người sống có trách nhiệm, luôn yêu lao động và hoàn thành mọi việc xuất sắc. Sống một mình trong cảnh cô đơn trên đỉnh núi cao, không có ai bầu bạn. Cũng chẳng có lấy một người đồng nghiệp để nhắc nhở làm việc. Nhiệm vụ chính của anh ấy là đo gió, đo mưa, dự báo thời tiết hàng ngày phục vụ sản xuất và chiến đấu. Anh dành một tình cảm đặc biệt đối với chính công việc của mình. Thậm chí, anh còn nói “ông việc của cháu gian khổ thật đấy chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”. Có lẽ, đây mới chính là nguồn động lực giúp anh vượt qua mọi khó khăn, thử thách để làm việc. Chúng ta thật cảm phục anh chàng với phương châm sống “khi ta làm việc, ta với công việc là một, sao lại gọi là một mình được”. Giống như trong cuộc trò chuyện với cô kỹ sư và ông họa sĩ, anh đã tự định hình thời gian kể về công việc. Anh kể với sự hào hứng, tình yêu mãnh liệt với công việc.

Bằng những hành động, cử chỉ của mình, người ta thấy một anh chàng cởi mở và hiếu khách. Anh luôn có cảm giác “thèm người”, anh thèm được người hỏi thăm và trò chuyện. Đó cũng chính là lý do đặc biệt để người lái xe gặp anh chàng này. Trước đây, trong một cuộc hành trình khác, chiếc xe bị chặn bởi một khúc gỗ to. Anh thanh niên chạy xuống để giúp đoàn xe vượt qua chướng ngại. Chỉ vài giây phút ngắn ngủi nhưng anh đã kết thêm nhiều bạn, biết thêm nhiều chuyện. Mỗi vị khách đến đây đều được anh tiếp đón chu đáo và nồng hậu. Anh dùng cả tấm lòng nhiệt huyết cùng sự ấm áp để đối đãi với mọi người. Sự quan tâm được thể hiện sâu sắc hơn khi anh dành tặng của tam thất cho bác tài xế. Lý do đơn giản chỉ bởi nghe tin bác gái bị ốm.

Trong đời sống và công việc, anh thanh niên còn cho thấy mình là người biết sắp xếp mọi chuyện. Mọi thứ đều diễn ra có kế hoạch và được xử lý hiệu quả bằng những phương án cụ thể. Cuộc sống của anh được sắp xếp ngăn nắp. Thú vui hoang dại giữa rừng núi chính là trồng hoa, nuôi gà, uống nước chè. Anh vẫn giữ thói quen đọc sách để tiếp thu nhiều cái mới. Những công việc tuy đơn giản nhưng đó là thứ giải tỏa nỗi buồn, cô đơn suốt thời gian qua của anh thanh niên.

Anh thanh niên còn khiến người đọc yêu mến bởi bản tính khiêm nhường. Anh xem công việc của mình cũng giống với bao công việc khác. Chẳng có gì đặc biệt và cũng chẳng có gì cần phải ngưỡng mộ. Anh còn từ chối khéo lời đề nghị của bác họa sĩ mong muốn vẽ chân dung mình. Bởi theo anh, còn nhiều lắm những con người tài giỏi, đáng để ngợi ca hơn nữa.

Từ hình tượng anh thanh niên, Nguyễn Thành Long đã thể hiện niềm cảm phục với người lao động. Nhất là những người đã và đang hy sinh thầm lặng cống hiến cho tổ quốc. Cuộc sống lao động tuy không có mang lại giàu sang phú quý. Nhưng ngược lại, con người có được một tâm hồn cao quý và phẩm chất đáng ngưỡng mộ.

Anh thanh niên đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người khi nhớ về Lặng lẽ Sa Pa. Ở anh chàng ấy sáng ngời lên vẻ đẹp của lao động. Anh thanh niên làm khí tượng và cả cô kĩ sư trẻ là biểu tượng cao đẹp nhất, đại diện cho lớp người cùng nhau xây dựng quê hương đất nước. Khắp mọi miền tổ quốc, đâu đâu người ta thấy những biểu tượng người dân lao động. Nhất là vào thời điểm miền bắc đang bước vào giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Trên đây là bài phân tích hình tượng người thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa do chúng tôi biên soạn. Hy vọng đây là nguồn tài liệu bổ ích cho các em trong quá trình học tập. Chúc các em luôn học tốt và đạt điểm cao trong những bài kiểm tra sắp tới. Đừng quên theo dõi trang để biết thêm nhiều thông tin bổ ích nhé.

Xem thêm: Tóm tắt truyện Cố hương của tác giả Lỗ Tấn chi tiết nhất

Văn Học Lớp 9 -