Cảm nhận về khổ 1 và khổ 2 bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên

Cảm nhận về khổ 1 và khổ 2 bài thơ Ông đồ được thể hiện rõ nét trong bài viết này, với những ý nghĩa mà tác giả muốn nói trong khổ 1 và khổ 2.

Bài thơ Ông đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên là văn bản có nhiều giá trị về nội dung và nghệ thuật. Nhằm giúp các em học sinh có thêm nguồn tư liệu học tập, chúng tôi xin nêu cảm nhận về khổ thơ 1 và khổ 2 bài thơ Ông đồ.

Khám phá dàn ý và bài văn mẫu cảm nhận về khổ 1 và khổ 2 bài thơ Ông đồ hay nhất

Khám phá dàn ý và bài văn mẫu cảm nhận về khổ 1 và khổ 2 bài thơ Ông đồ hay nhất

Contents

Khái quát về tác giả tác phẩm

Tác giả

Vũ Đình Liên là tác giả của nhiều bài thơ trong phong trào thơ mới như Hạnh phúc, Mùa xuân cộng sản… Ông sinh ở Hà Nội và sống, làm việc tại Hà Nội. Ông là một người nghệ sỹ đa tài, vừa làm dịch thuật, nghiên cứu, giảng dạy, sáng tác thơ ca. Thơ ông luôn được nhận xét là mang nỗi buồn mang mác, hoài niệm về những điều xưa cũ.

Tác phẩm

Bài thơ Ông đồ là một tác phẩm nằm trong chương trình văn học cấp Trung học cơ sở. Vào những năm đầu thế kỷ XX, nền văn học chữ Hán đang trên đà suy thoái. Nền văn hóa phương Tây du nhập vào Việt Nam, hình ảnh ông đồ, chữ Hán dần mất đi giá trị của mình. Vũ Đình Liên hoài nhớ về những kỉ niệm ngày xưa, về câu đối tết. Tất cả những điều này là lý do để tác giả sáng tác nên bài thơ này.

Bài thơ được chia thành 3 phần:

– Hai khổ thơ đầu tiên vẽ nên bức tranh toàn cảnh về thời thịnh hành của ông Đồ.

– Hai khổ thơ tiếp theo miêu tả đầy chân thực hình tượng ông đồ trong thời kỳ suy tàn.

– Các khổ còn lại thể hiện niềm tiếc thương, hoài niệm của tác giả về sự mất mát này.

Dàn ý cảm nhận khổ thơ 1 và khổ 2 bài thơ Ông đồ

Mở bài 

Trong phần mở bài, cần nêu được tác giả và hoàn cảnh cho ra đời tác phẩm. Đồng thời, nói lên hình ảnh ông Đồ trong thời kỳ thịnh vượng trong hai khổ thơ đầu.

Thân bài

Khổ thơ đầu tiên giới thiệu về hình ảnh và sự ra đời của ông Đồ. Như một thói quen lưu truyền từ nhiều đời nay, ông Đồ xuất hiện vào dịp “mỗi năm hoa đào nở”. Tác giả sử dụng trạng từ chỉ thời gian “mỗi năm” và “hoa đào nở” như mang cả mùa xuân đất nước về đây. Nó cũng giống một vòng tuần hoàn, cứ lặp đi lặp lại từ năm này qua năm khác. Ông đồ hiện lên với dáng vẻ già về tuổi tác nhưng vẫn miệt bài bên nghiên bút.

“Bày mực tàu giấy đỏ” là hoạt động quen thuộc của ông đồ mỗi dịp tết đến xuân về. Phố xá đông đúc, náo nhiệt, người xin câu đối xô bồ. Đây là không khí tết cổ truyền đặc trưng ở Việt Nam ta.

Khổ thơ thứ hai tập trung miêu tả tài nghệ của ông đồ. Ai cũng khen chữ đẹp, dòng chữ uốn lượn như “phượng múa rồng bay”. Lối nói quá này càng làm tăng thêm giá trị của ông đồ.

Kết bài

Nêu ngắn gọn nghệ thuật được sử dụng trong hai khổ thơ. Khái quát nội dung chính, nêu cảm nhận của bản thân về chủ đề ông Đồ.

Bài văn cảm nhận về khổ 1 và khổ 2 bài thơ Ông đồ

Phong cách nhà thơ là thứ khiến người đọc nhớ về mỗi khi nhắc đến. Xuân Diệu với những câu thơ say đắm, thổn thức đê mê, Hàn Mặc Tử ngọt ngào pha chút điên loạn. Đến với Vũ Đình Liên, người ta lại nhớ về những vần thơ mang giá trị hồi tưởng, hoài niệm cao. Từng câu thơ của ông khiến tâm hồn trở nên lắng đọng, suy tư. Ông đồ là hình  tượng quen thuộc của tết miền Bắc nước ta, nhưng giờ đây lại không còn quá phổ biến. Những hình ảnh về ông đồ xưa đã được tái hiện qua hai khổ thơ đầu của bài thơ Ông đồ.

Cảm nhận về khổ 1 bài thơ Ông đồ

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua.

Câu thơ vừa mới cất lên đã khiến người ta nghĩ ngay về một không khí nhộn nhịp của ngày tết. “Hoa đào nở”, “phố đông người qua” là hình ảnh quen thuộc của phố phường đông vui. Như một thông lệ xưa cũ, năm nào ở góc phố nhỏ cũng thấy hình ảnh của ông Đồ. Người ta còn nói thấy ông đồ là thấy tết ghé qua cửa.

Thời xưa, khi văn học Hán còn được coi trọng, người ta đặt vị trí của ông Đồ ở nơi trang trọng nhất. Thời gian đã khiến ông đồ trở nên già đi, nhưng không vì thế mà ông không ngồi cho chữ ở góc phố. Tết đến, khởi đầu cho một năm mới bình an, vui vầy cả năm. Ông đồ bày “mực tàu giấy đỏ” để viết nên câu chúc, mong cầu điều may mắn. Màu đỏ của giấy, màu đen của mực tàu cùng phố xá tấp nập là nét chấm phá nhẹ nhàng cho mùa xuân.

Lời thơ nhẹ nhàng, thấm sâu vào tâm khảm người đọc. Tài năng của ông đồ được thể hiện rõ trong câu thơ

Cảm nhận về khổ 2 bài thơ Ông đồ

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa, rồng bay.

Chữ thầy đồ không chỉ được yêu mến vì nó thịnh hành trong thời điểm đó. Mà còn vì nét chữ vừa đẹp, điêu luyện, thanh thoát. So sánh chữ của thầy đồ với phượng múa rồng bay càng thêm khẳng định nét đẹp đó. Có thể nói, ông đồ là một người nghệ sỹ tài năng, hi sinh vì nghệ thuật. Tài năng của ông được mọi người thừa nhận và ngợi khen. Ba phụ âm “t” được nhắc đến càng làm tăng thêm sự ngưỡng mộ, tài năng của người xin chữ đối với ông đồ. Có lẽ, chỉ có những người yêu say mê nét văn hóa Hán học mới viết lên được câu thơ đầy xúc cảm đến thế.

Ẩn sâu trong câu thơ đó, phải chăng còn ẩn chứa nỗi buồn miên man? Ông đồ là người có học thức nhưng lại không đỗ đạt để làm quan. Cái chữ đáng được trân trọng kia nay lại trở thành công cụ kiếm cơm của họ. Đau đớn, xót xa biết bao khi chính ông lại phải lấy niềm vui từ việc được nhiều người “thuê” viết. Nhưng cuộc đời luôn có biến thiên, nghề viết chữ giờ đây dần suy tàn. Cuộc sống của những cụ đồ già càng thêm nhiều khó khăn, vất vả.

Khổ thơ sử dụng thể thơ năm chữ với ngôn từ linh hoạt, biến đổi nhanh chóng. Đây là thể thơ rất thích hợp để chúng ta biểu hiện tâm trạng và cảm xúc của mình. Vừa cô đọng, hàm súc nhưng vẫn đảm bảo giá trị nội dung. Đặc biệt hơn, với tâm tư lúc này của tác giả thì thể thơ năm chữ giúp bộc lộ hết suy tư trước tình cảnh của ông đồ già.

Chỉ với 8 câu thơ, nhà thơ Vũ Đình Liên đã xây dựng thành công hình ảnh ông đồ già trong thời kỳ hưng thịnh. Mặc dù giờ đây, hình ảnh đó đã không còn xuất hiện nhiều, nhưng trong tâm tưởng mỗi người con đất Việt, nó vẫn luôn hiện hữu.

Trên đây là dàn ý và bài viết chi tiết cảm nhận về khổ 1 và khổ 2 bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên. Hy vọng với những gợi ý trên, các em có thể hoàn thành tốt bài thi của mình. Chúc các em luôn chăm chỉ và đạt kết quả cao trong quá trình học tập.

Văn Học Lớp 8 -