Từ tượng thanh từ tượng hình là gì? Tác dụng và ví dụ minh họa
Khái niệm từ tượng thanh từ tượng hình là gì, tác dụng của từ tượng thanh và từ tượng hình như thế nào, ví dụ và bài tập minh họa.
Từ tượng thanh và từ tượng hình là gì? Nhiều học sinh gặp vướng mắc khi tiếp cận với những thuật ngữ về từ tượng thanh và từ tượng hình được giới thiệu trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8. Bài viết này sẽ đưa ra định nghĩa cụ thể để các em nắm được bản chất của vấn đề. Từ đó dễ dàng nhận diện từ tượng thanh và từ tượng hình trong câu.
Contents
Từ tượng thanh từ tượng hình là gì?
Trong kho từ vựng Việt Nam, hầu hết các từ tượng thanh và từ tượng hình đều được cấu tạo dưới dạng từ láy.
Từ tượng thanh
Theo định nghĩa trong sách giáo khoa, từ tượng thanh là những từ ngữ giúp diễn tả âm thanh do con người tạo ra hoặc các âm thanh có trong tự nhiên, trong môi trường xung quanh. Ví dụ: líu lo, râm ran, ầm ầm, đùng đoàng, ríu rít…
Từ tượng hình
Từ tượng hình là những từ ngữ dùng để mô tả, khắc họa, đặc điểm, trạng thái, hình dạng bên ngoài của sự vật, sự việc, hiện tượng nào đó. Ví dụ: lật đật, lom khom, mong manh, mảnh mai, sặc sỡ…
Tác dụng của từ tượng thanh và từ tượng hình là gì?
- Giúp cho cách diễn đạt trở nên sinh động, gợi hình gợi cảm hơn
- Khiến cho sự vật, hiện tượng được khắc họa chân thực, được tái hiện một cách sống động, tự nhiên nhất
- Tạo nên giá trị nghệ thuật cho các câu thơ, câu văn
Ví dụ:
“Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”
Những từ láy “lao xao”, “dắng dỏi” dùng để miêu tả âm thanh đặc trưng của mùa hè, giúp câu thơ giàu nhạc điệu hơn.
Bài tập về từ tượng thanh và từ tượng hình
Bài tập 1: Tìm các từ tượng thanh về âm thanh của con người và đặt câu với những từ tìm được
Đáp án
-Các từ tượng thanh về âm thanh của con người: thút thít, khúc khích, thủ thỉ
-Đặt câu
Lan bị điểm kém môn Toán, về nhà sà vào lòng mẹ khóc thút thít.
Tuấn và Minh nói chuyện, cười khúc khích trong giờ, bị cô giáo nhắc nhở.
Mẹ ôm bé vào lòng và thủ thỉ, xoa đầu bé đầu trìu mến.
Bài tập 2: Tìm các từ tượng hình về dáng vẻ của con người và đặt câu
Đáp án
-Các từ tượng hình: lom khom, bầu bĩnh, nhỏ nhắn
-Đặt câu
Bà tôi dáng đi lom khom, tay phải chống gậy mới đi vững được.
Bé có khuôn mặt bầu bĩnh tròn trịa rất đáng yêu.
My có đôi tay nhỏ nhắn nhưng may vá thì thoăn thoắt vô cùng điêu luyện.
Bài tập 3: Viết một đoạn văn có sử dụng từ tượng thanh và tượng hình
Giờ ra chơi lúc nào cũng là thời điểm mà sân trường trở nên náo nhiệt nhất. Từng tốp học sinh trò chuyện ríu rít dưới gốc cây bàng, nhảy dây hoặc đá cầu vô cùng nhộn nhịp. Sau những tiết học căng thẳng, các cô cậu học trò tranh thủ quãng nghỉ lúc ra chơi để nghỉ giải lao thư giãn. Cả sân trường rộn vang những tiếng cười đùa vui vẻ và trở nên đông đúc lạ thường. Trái ngược hẳn với quang cảnh vắng vẻ, tĩnh mịch vào mỗi kỳ nghỉ hè hay lúc các học sinh đang tập trung chú ý nghe thầy cô giáo giảng bài. Hình ảnh sân trường giờ ra chơi sẽ luôn là một kỷ niệm đẹp trong tâm trí, nhắc nhớ tôi về một thời học sinh hồn nhiên, vô tư và đẹp đẽ.
Trên đây là định nghĩa về từ tượng thanh và từ tượng hình là gì và các kiến thức liên quan. Mong rằng bài viết này sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học tập bộ môn Ngữ văn ở trường.
- Xem thêm: Từ đơn và từ phức là gì? Cách phân biệt và ví dụ minh họa
Từ đơn và từ phức là gì? Cách phân biệt và ví dụ minh họa
Thành phần biệt lập là gì? Các loại thành phần biệt lập và ví dụ
Phó từ là gì? Ý nghĩa của phó từ và cách phân biệt
Liệt kê là gì? Các hình thức liệt kê, tác dụng và ví dụ
Các thể thơ Việt Nam phổ biến và hay sử dụng nhất
Điệp ngữ là gì? Các loại điệp ngữ, lấy ví dụ minh họa
Hoán dụ là gì? Các kiểu hoán dụ và lấy ví dụ minh họa