Đóng vai ông Sáu kể lại truyện Chiếc lược ngà cực hay
Đóng vai ông Sáu kể lại truyện Chiếc lược ngà trong tác phẩm “Chiếc lược ngà” thể hiện rõ tính cách, cảm xúc, hành động của ông Sáu ngay sau đây.
Chiếc lược ngà là một tác phẩm cảm động trong chương trình văn học lớp 9. Đây cũng là một trong những bài học thường được đưa vào đề thi các năm. Hãy cùng bài viết dưới đây tham khảo qua dàn ý chi tiết và bài văn mẫu cho đề bài: Hãy đóng vai ông Sáu và kể lại truyện Chiếc lược ngà nhé!
Contents
Những lưu ý trước khi đóng vai ông Sáu kể lại truyện Chiếc lược ngà
Khi đóng vai ông Sáu kể lại câu chuyện Chiếc lược ngà, học sinh cần lưu ý phân tích diễn biến nội tâm cũng như cảm xúc của nhân vật theo từng mốc thời điểm quan trọng.
Trước khi gặp bé Thu
- Ông Sáu háo hức, nôn nao vì sắp đến ngày được gặp lại con gái.
- Cả đêm hôm trước ông không ngủ được, mường tượng ra cảnh hai cha con hội ngộ nhau.
Khi gặp bé Thu
- Đau đớn khi con không nhận ra mình.
- Bất lực, buồn khổ khi càng lại gần con, con lại càng đẩy mình ra xa.
- Mong muốn con gọi mình một tiếng “ba”.
Thời điểm chia tay bé Thu để quay lại chiến trường
- Cuộc chia ly đầy nước mắt khi bé Thu gọi ba. Ông Sáu vừa buồn vừa tiếc nuối vì không thể ở bên con nhiều hơn
- Sau khi quay lại chiến trường, ông Sáu ân hận mãi vì mình lỡ đánh con.
- Luôn cẩn thận, tỉ mỉ mài cho con chiếc lược ngà như đã hứa.
Dàn ý đóng vai ông Sáu kể lại truyện Chiếc lược ngà
Mở bài
Giới thiệu khái quát truyện ngắn Chiếc lược ngà bằng lời của ông Sáu.
Thân bài
Ngày trở về
- Tâm trạng: vui vẻ, háo hức vì sắp được gặp lại bố mẹ, vợ sau bảy năm xa cách, đặc biệt là bé Thu.
- Bồn chồn, nao nao, không biết con gái đã lớn thế nào,nó có vui khi gặp lại mình không.
- Cảnh quê nhà: không có gì thay đổi nhiều, vẫn rất thân thuộc, gần gũi như xưa.
Khi gặp con gái
- Cất tiếng gọi trong sự kỳ vọng nhưng con bé chỉ tròn mắt nhìn, coi mình như người xa lạ → hụt hẫng, đau đớn
- Muốn ôm con vào lòng, thấy bé Thu sợ hãi, chạy trốn mình thì buồn bã, thất vọng vì con không chịu nhìn mình.
- Suốt ba ngày ở nhà chỉ quanh quẩn để vỗ về con gái nhưng nó càng đẩy anh ra xa. Tha thiết được nghe con gọi một tiếng ba nhưng bé chẳng bao giờ chịu gọi.
Cuộc đối thoại của hai cha con
- Khi má bảo gọi ba vào ăn cơm, bé Thu chỉ nói trống không. Tôi chỉ biết cười gượng gạo, buồn nhưng không thể làm gì.
- Bé Thu nhất quyết không gọi ba dù cần giúp đỡ.
- Trong bữa cơm, tôi gắp cho nó miếng trứng cá ngon nhất nhưng nó đã dùng đũa hất ra, làm cơm vãi khắp mâm. Tức giận, tôi đã vung tay đánh vào mông nó. Bé Thu không khóc, im lặng, gắp miếng trứng cá bỏ lại bát rồi bỏ đi sang ngoại → tôi vô cùng buồn bã và hối hận.
Phút chia tay nghẹn ngào
- Tôi bận rộn tiếp đón bà con làng xóm mà chưa kịp để ý đến con.
- Khuôn mặt bé Thu không còn bướng bỉnh như mọi khi mà trở nên buồn rầu.
- Đến lúc chia tay, mọi thứ như vỡ òa khi bé Thu cất tiếng gọi ba đầu tiên. Bé chạy đến ôm lấy tôi, hôn lên vết thẹo và giữ không cho tôi đi ra chiến trường.
- Tôi nghẹn ngào, chỉ kịp dặn và trấn an con bằng câu “Ba đi rồi ba sẽ về”, nhưng nó dứt khoát không cho tôi đi.
- Mọi người dỗ dành, bé Thu mới để tôi ra chiến trường. Trước lúc đi, con bé còn dặn tôi mua cho nó chiếc lược. Tôi đồng ý và chia tay con trong cảnh vô cùng bịn rịn, xúc động.
- Tôi trở lại chiến trường nhưng trong lòng không bao giờ quên lời hứa với con.
Kết bài
Khái quát lại ý nghĩa câu chuyện.
Bài văn mẫu đóng vai ông Sáu kể lại truyện Chiếc lược ngà
Tôi là Sáu- một người chiến sĩ xung phong trên chiến trường Nam Bộ. Ngày tôi tạm biệt mái ấm gia đình để lên đường ra trận, con gái tôi- bé Thu mới chỉ được một tuổi. Với tôi, bé Thu là niềm hạnh phúc nhất cuộc đời này, cũng chính là động lực để tôi hết mình chiến đấu và sớm ngày trở về gặp con. Đằng đẵng bảy năm trôi qua, tôi mới có dịp quay về quê nhà. Dẫu cho tấm ảnh má con nó tôi vẫn luôn nâng niu và nhìn ngắm mỗi ngày thì cái cảm giác được gặp con, được ôm con vào lòng vẫn khiến tôi khao khát, mong chờ vô cùng.
Còn nhớ ngày tôi đi, bé Thu còn được ẵm trên tay mẹ. Gương mặt con bé kháu khỉnh, đáng yêu lắm. Những ngày vợ đến thăm, tôi đều nhắn nhủ lần sau nhớ dắt con theo nhưng trong tâm vẫn biết rõ điều đấy là không thể. Thời thế loạn lạc, dẫn theo con chẳng khác nào đưa nó vào nguy hiểm. Tôi biết rõ cả chứ. Chỉ có điều nỗi nhớ và sự khao khát được gặp lại con cứ dâng mãi trong lòng.
Cũng vì vậy mà chuyến về quê này với tôi là một niềm hạnh phúc vô bờ bến. Cái ngày mà tôi chờ đợi suốt bảy năm qua cuối cùng cũng đến. Lòng tôi cứ nao nao, bồn chồn mãi. Nghĩ đến cảnh được đoàn tụ với gia đình, được ôm hôn con, được nghe tiếng con gọi ba thân mật,…là tôi lại vui đến mức không ngủ được.
Chiếc xuồng dần cập bến. Hình ảnh ngôi nhà cùng hàng dừa xanh cũng dần hiện rõ hơn. Dù từ xa, bóng bé gái tóc ngắn ngang vai, mặc quần bông áo đỏ hiện lên mờ nhạt, tôi vẫn nhận ra ngay đó là con gái mình. Tôi toan chạy khi xuồng chưa cập bến hẳn và gọi to: “Thu, con”.
Ngay từ lúc cất tiếng gọi, như những gì đã mường tượng suốt một đêm hôm qua, tôi nghĩ rằng bé Thu sẽ chạy đến ôm tôi và vui mừng vì ba nó đã về gặp nó. Nhưng không, ánh mắt con bé ngơ ngác, tròn xoe. Nó giật mình khi nghe tiếng tôi gọi, càng hốt hoảng hơn khi nhìn rõ mặt tôi khi tôi tiến lại gần. Một cảm giác hụt hẫng bao lấy con người tôi. Vừa xúc động, vừa thất vọng, vết thẹo dài trên má tôi cũng đỏ hơn, hằn rõ hơn. Có lẽ vì vậy mà bé Thu sợ hãi, bỏ chạy đi tìm mẹ. Trái tim tôi nhói lên đau đớn. Tôi chưa từng nghĩ đến cảnh tượng này, chưa từng nghĩ con gái sẽ sợ hãi, tránh né người cha đã bảy năm không gặp như thế…Đứa con gái mà tôi mong ngóng từng ngày lại không chấp nhận người cha này. Lòng tôi cứ như có vết dao cắt, chẳng thể nào nguôi ngoai.
Mẹ bé Thu thông báo với gia đình và bà con hàng xóm. Ai nấy đều đến hỏi thăm, quan tâm khiến tôi cảm động, phấn khởi vô cùng. Nhưng dường như trong lòng vẫn có cảm giác trống trải. Thỉnh thoảng, tôi đưa mắt nhìn bé Thu, nhưng đổi lại là sự tránh né của con bé. Ờ thì, có lẽ nó cư xử như vậy cũng không có gì kỳ lạ. Vì khi tôi lên đường đi chiến đấu, bé Thu chưa tròn 1 tuổi nữa mà. Nó còn quá nhỏ để khắc ghi hình ảnh người cha này và bây giờ cũng chưa đủ lớn để nhận biết được.
Dù vậy, lần này tôi chỉ được quay về nghỉ phép ba ngày. Ba ngày ngắn ngủi quá, tôi không dám và cũng không muốn đi đâu xa. Cả ngày ở nhà cố gần gũi với con bé. Càng gần ngày đi, chỉ càng mong nghe được tiếng con gọi “ba”, mong được con thân mật, yêu thương mình. Cũng vì vậy mà sự khao khát được gần bên con cũng càng nhiều hơn.
Nhưng con bé cũng có kiên định của riêng nó. Nó nhất quyết không gọi tôi một tiếng cho dù đang trong hoàn cảnh cần tôi giúp đỡ. Lúc nào cần nói, nó cũng không gọi ba, chỉ nói trống không. Trong bữa cơm hôm ấy, tôi ân cần gắp cho con một miếng trứng cá to vào bát. Nó không nói gì, rồi bất ngờ hất miếng trứng ra, cơm văng tung tóe khắp mâm. Tôi giận lắm, không kìm chế được, vừa giận vừa thương lấy tay phát liền hai cái vào mông nó, mắng: “ Sao mày cứng đầu quá vậy hả?”
Đánh con xong lòng tôi đau như có ai xát muối vào vết thương. Nhưng lạ thay, bé Thu chẳng khóc, chẳng nói chẳng rằng, nó cúi gằm mặt, lặng lẽ gắp miếng trứng cá đặt lại vào chén rồi ra thuyền, chèo sang bên nhà ngoại. Lúc này, tôi cảm thấy ân hận lắm. Con bé không có lỗi, nó còn quá nhỏ để hiểu mọi thứ. Tất cả là do chiến tranh tàn khốc đã ngăn cách ba con chúng tôi.
Ba ngày ngắn ngủi cũng trôi qua, mai là ngày tôi phải lên đường quay về chiến trường. Nơi chiến trường khốc liệt, ra đi nào có dám nghĩ đến ngày quay về. Tôi chỉ tha thiết được nghe con gọi ba một lần thật ấm áp mà sao lại khó đến thế. Cả đêm không ngủ. Tôi cứ nghĩ mãi về gia đình, về bé Thu…Nước mắt cứ chực trào ra.
Sáng ngày đi, bà con nội ngoại, hàng xóm đến rất đông. Ai nấy đều bùi ngùi chia tay, dặn dò tôi ráng giữ sức khỏe chờ ngày đất nước thống nhất để quay trở về. Mãi tiếp khách, tôi cũng không có thời gian ngó tới con bé. Lúc đeo ba lô lên vai, tôi có nhìn bé Thu. Nỗi đau trong lòng dường như không quá mạnh mẽ như lúc đầu con không nhận ra mình nữa. Thay vào đó, lòng tôi đầy sự trống trải, đượm buồn, tiếc nuối và thương con nhiều hơn. Bé Thu trông không còn bướng bỉnh nữa, trước mắt tôi, con bé nhìn có chút buồn hơn những ngày trước. Trước phút chia xa, tôi chỉ muốn ôm hôn lấy con một lần, nhưng vì sợ vết thẹo trên má mình khiến con hoảng sợ, tôi đành ngậm ngùi chào: “Thôi, ba đi nghe con”.
Phút chia ly, lòng tôi nghẹn ngào khóc không thành tiếng. Nhưng điều khiến tôi xúc động đến tột cùng là lúc cái Thu gọi lên một tiếng dài : “Ba”.
Tôi như không tin vào tai mình. Đó là tiếng bé Thu gọi mình đấy sao? Tiếng gọi mà tôi đã chờ đợi suốt bao lâu nay. Tôi toan quay đầu lại, con bé đã chạy đến ôm tôi chặt cứng. Nó không ngừng hôn lên má tôi, lên vết thẹo dài, miệng cứ liên tục: “Ba, ba ở lại với con. Con không cho ba đi nữa.”
Đến bây giờ mới là phút giây tôi cảm nhận rõ nhất tình phụ tử. Ấy thế mà tôi lại sắp phải chia tay con. Nghẹn ngào chẳng thể nói được nên lời, tôi kiềm lòng dặn dò con bé và cũng tự trấn an mình: “Ba đi rồi ba sẽ về thôi nghen con!”.
Nhưng con bé không chịu nghe, hai tay nó ôm chặt lấy cổ tôi. Đôi chân nhỏ bé quặp ngang hai bên hông của tôi. Bé Thu nức nở khóc và tôi cũng thấy khóe mắt mình cay cay. Đến khi má nó và bà ngoại lại gần dỗ dành, con bé mới chịu buông tôi ra. Nước mắt lưng tròng, nó nức nở: “Ba đi rồi về mua cho con cây lược nghe ba!”.
Phút chia tay nghẹn ngào nhưng cũng ngắn ngủi quá, chúng tôi từ biệt mọi người trở chiến trường nhận nhiệm vụ. Mỗi đêm rừng, nằm nhớ về con tôi lại thấy ân hận vô cùng vì đã trót đánh con. Tôi dằn vặt, đau đáu mãi những năm tháng chiến dịch. Lời hứa mang về chiếc lược cho con cứ in sâu trong lòng tôi. Không một phút giây nào tôi quên nhiệm vụ mà đứa con gái bé bỏng gửi gắm mình. Kiếm cho con cây lược trở thành bổn phận của người cha, thành kỷ vật thiêng liêng của tình mẫu tử.
Tôi muốn tự tay làm tặng cho con gái bé bỏng của mình một cây lược thật đẹp. Hằng ngày tôi tỉ mỉ mài chiếc ngà voi và đập nhỏ vỏ đạn để làm lược. Tôi còn cẩn thận khắc lên đó những dòng chữ yêu thương để dành tặng cho con. Chiếc lược trở thành động lực, thành niềm tin vững chắc, thành ước mơ về ngày chiến tranh kết thúc, tôi sẽ được trở về, trao tận tay con bé món quà nhỏ này.
Nhưng rồi, chiến tranh tàn khốc, ranh giới giữa sự sống với cái chết thật sự rất mong manh. Trong một trận càn lớn của Mỹ – Ngụy, tôi không may bị thương nặng. Biết mình phải hy sinh, tôi không có gì hối tiếc vì đã chiến đấu hết sức mình cho độc lập của Tổ Quốc. Trước lúc lìa xa cõi đời, hình ảnh lá cờ độc lập hiện mãi trong đầu tôi. Dưới lá cờ đó, là bé Thu- là đứa con gái bé bỏng đang trông đợi tôi về. Tôi đã kịp đưa cho anh Ba – người bạn chiến đấu của mình cây lược ngà với hi vọng rằng anh sẽ thay tôi trao tận tay cho con bé. Và dường như trong cơn hấp hối, tôi vẫn nghe rõ mồn một tiếng anh Ba bên tai tôi: “Tôi sẽ mang về trao tận tay cho cháu”.
Trong giây phút cuối cùng ấy, tôi thấy bé Thu mỉm cười nắm lấy tay tôi, tôi cũng mỉm cười hạnh phúc chìm vào giấc ngủ dài.
Qua bài viết đóng vai ông Sáu kể lại truyện Chiếc lược ngà bên trên đã giúp các bạn và các em học sinh hiểu hơn về nhân vật ông Sáu trong tác phẩm “Chiếc lược ngà”, nhân đây chúc các em học tốt và thi thật tốt nhé.
Văn Học Lớp 9 -Phân tích nguyên nhân và ý nghĩa cái chết của Vũ Nương
Dàn ý thuyết minh về cái kéo chi tiết cực hay ( CÓ MẪU )
Đóng vai người lính trong bài thơ Ánh trăng và soạn bài
Dàn ý thuyết minh về cây bút bi và bài văn mẫu hay nhất
Dàn ý tinh thần tự học chi tiết được kiểm duyệt và chọn lọc
Bố cục và biện pháp nghệ thuật của bài thơ Đoàn thuyền đánh cá
Đóng vai ông Hai kể lại truyện ngắn Làng của Kim Lân