Phân tích 4 khổ thơ đầu bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh
Dàn ý khái quát toàn bài và phân tích 4 khổ thơ đầu bài Sóng chi tiết, của thi sĩ Xuân Quỳnh trong chương trình Ngữ văn lớp 12.
4 khổ đầu bài “Sóng” của thi sĩ Xuân Quỳnh có vai trò đặc biệt trong toàn bài. Thể hiện tâm tư nỗi niềm của người phụ nữ trẻ trong tình yêu. Sau đây là dàn bài và phân tích chi tiết 4 khổ đầu bài “Sóng” trong chương trình Ngữ văn lớp 12.
Nội Dung Bài Viết
Dàn ý khái quát cho toàn bài
Mở bài
- Đề tài tình yêu trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ vẫn chưa được nhiều nhà văn, nhà thơ đề cập đến.
- Khái quát nội dung 4 khổ đầu bài thơ: Là những rung cảm mãnh liệt mà tinh tế của trái tim người phụ nữ khi yêu.
Thân bài
Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Xuân Quỳnh là một trong những nữ thi sĩ có tầm ảnh hưởng lớn nhất thuộc thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ
- Phong cách thơ: Là tiếng lòng, tâm tư của người phụ nữ với một tâm hồn đằm thắm nhưng cũng vô cùng tươi tắn, hồn nhiên và chân thành.
- Bài thơ: Thuộc tập “Hoa dọc chiến hào”, được viết sau chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền năm 1976.
Phân tích khổ 1
- Các từ ngữ đối lập “dữ dội” và “dịu êm, “ồn ào” và “lặng lẽ”: Tượng trưng cho cung bậc cảm xúc khi yêu của người phụ nữ
- “Sông” tượng trưng cho những gì là chật hẹp, bó buộc. Sóng muốn vượt khỏi sông để hòa chung với bể lớn cũng giống như người phụ nữ muốn vươn tới đích đến cao hơn của tình yêu. Mong muốn tìm được một tình yêu đích thực.
Phân tích khổ 2
- Từ bao đời nay con sóng vẫn vậy, cũng như tình yêu luôn là khát khao lớn nhất của con người, của tuổi trẻ
- Thể hiện khát khao yêu đương không bao giờ lụi tàn, luôn cháy bỏng trong tim của tác giả
Phân tích khổ 3 và 4
- Nguồn gốc của sóng không thể lý giải, tình yêu bắt đầu từ đâu cũng không thể nào cắt nghĩa.
- Người phụ nữ mong muốn tìm hiểu cội nguồn của sóng cũng như muốn hiểu được cội nguồn của tình yêu nhưng bất lực. Đó là một sự bất lực vô cùng đáng yêu, xuất phát từ trái tim yêu mãnh liệt và mong muốn đi sâu tìm hiểu cái huyền bí của tình yêu.
Kết bài
- Tóm tắt lại nội dung khổ thơ, liên hệ với toàn bài
- Khẳng định tình yêu là khát vọng muôn thuở
Phân tích chi tiết 4 khổ thơ đầu của bài “Sóng”
Nếu như Xuân Diệu là ông hoàng thơ tình, thì Xuân Quỳnh cũng xứng đáng có được vị trí nữ hoàng của tình yêu. Nữ thi sĩ lấy cảm hứng từ nhiều khía cạnh cuộc sống, tuy nhiên để lại ấn tượng lớn nhất trong lòng người đọc có lẽ phải kể đến các bài thơ viết về tình yêu. Trong đó “Sóng” là một trong những tác phẩm khắc họa rõ rất tiếng thơ thổn thức chan chứa yêu thương của Xuân Quỳnh. Đặc biệt bống khổ đầu bài thơ như một lời tự tình đầy tha thiết. Mong muốn được đắm chìm sâu hơn trong “bể lớn” tình yêu và lý giải, cắt nghĩa tình yêu.
Xuyên suốt cả bài thơ và bốn khổ đầu, “sóng” và “em” cứ da diết, song hành và trở đi trở lại nhiều lần. “Em” tượng trưng cho cái tôi của người phụ nữ, “sóng” là hình ảnh soi chiếu rõ nét hơn cho “em”. Đôi khi ranh giới giữa hai hình tượng này bị xóa nhòa, hòa nhập làm một để thể hiện tình yêu say đắm, mãnh liệt như những cơn sóng biển của nữ thi sĩ.
Ấn tượng ngay từ câu thơ đầu là những đối cực mạnh mẽ:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ”
Liên tiếp những tính từ có sức gợi và lột tả mạnh mẽ: “dữ dội”, “dịu êm”, “ồn ào” và “lặng lẽ”. Cơn sóng ngoài biển khơi thất thường đến thế, đa sắc thái đến thế. Lúc thì mãnh liệt như thét gào, khi thì lặng im như ru với những đợt sóng khe khẽ vỗ bờ. Chẳng khác nào người phụ nữ khi yêu, tâm trạng có những biến chuyển vô cùng tinh vi. Khi say đắm và nồng nhiệt, hết mình trong tình yêu, lúc lại hờ hững xa xôi. Tất cả cũng chỉ để che giấu một tâm hồn, trái tim yếu đuối mong manh, nhạy cảm và cũng rất dễ bị tổn thương. Tình yêu là vậy. Như những nốt nhạc trong một bản đàn, có nốt trầm nốt bổng, cung bậc cảm xúc khi yêu cũng vô cùng đa sắc. Đó mới chính là tình cảm chân thành nhất của một trái tim yêu.
Hãy chú ý tới cái cách đặt vị trí từ của thi sĩ. Hai câu thơ kết lại đều bằng những tính từ chỉ sắc thái nhẹ nhàng là “dịu êm” và “lặng lẽ”. Có chăng sau tất cả những thăng trầm, những thất thường, “sớm nắng chiều mưa” khi yêu. Đích đến cuối cùng mà người phụ nữ khi yêu muốn kiếm tìm vẫn là sự an yên, hạnh phúc. Đôi dòng thơ mở đầu thể hiện trái tim Xuân Quỳnh đẹp đẽ mà mong manh. Yêu mãnh liệt nhưng cũng đầy dự cảm, mong muốn tìm được một tình yêu đích thực.
Sang đến hai câu sau, người phụ nữ thể hiện một thái độ chủ động. Muốn vươn mình ra bể lớn để hiểu hơn về tình yêu:
“Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Đọc câu thơ, ta nhận thấy ngay sự tương phản giữa hai không gian. Một bên là “sông” chật hẹp và tù túng, một bên là “bể” rộng lớn mênh mông, bao la sâu thẳm. Những con sóng không chịu thu mình trong lòng sông chật hẹp nhỏ bé để rồi vươn mình tới bến bờ rộng lớn hơn, khám phá những điều vĩ đại hơn. Bể lớn mênh mang mới chính là nơi mà con sóng thuộc về, là nơi để sóng thỏa sức vẫy vùng và khao khát, được sống với đam mê. Người phụ nữ trong tình yêu cũng vậy thôi. Luôn khao khát tìm thấy một nửa của cuộc đời mình, tìm kiếm sự đồng cảm tri âm. Như vậy có thể thấy nhân vật trữ tình tuy mong manh nhưng không hề “dễ vỡ”. Ngược lại lại có sự chủ động, táo bạo và quyết liệt trong tình yêu.
Đoạn thơ sau càng khắc họa rõ nét hơn những rạo rực, khát khao trong trái tim người phụ nữ trẻ:
“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày nay vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”
“Ngày xưa” – “ngày nay”, hai trạng từ chỉ thời gian hoàn toàn đối lập như muốn mở ra khoảng thời gian trải dài từ hàng triệu năm trước tới nay và mãi mãi về sau. Những con sóng dào dạt trên biển cũng như con sóng tình yêu trong trái tim nữ thi sĩ. Nhịp đập con tim cũng như sóng, lúc nào cũng bồi hồi, cồn cào và mãnh liệt. Đó cũng chính là sự vô cùng, vô tận và vĩnh hằng của tình yêu.
Không gian biển lớn hiện lên như một lồng ngực lớn, còn sóng tựa như hơi thở cồn cào của ngực biển. Chừng nào biển còn dào dạt sóng, con tim còn thổn thức đập thì tình yêu sẽ luôn còn mãi, bất diệt với thời gian. Câu thơ kết thúc bằng từ “trẻ” làm toát lên những gì là tươi tắn, thanh xuân, đẹp đẽ nhất của tình yêu. Phải chăng chính tình yêu đã đem đến sức sống cho cuộc đời và tuổi trẻ?
Từ đam mê cháy bỏng trong tình yêu, nữ thi sĩ cảm thấy băn khoăn, muốn hiểu sâu hơn về cái huyền bí của tình yêu:
“Trước muôn trùng sóng biển
Em nghĩ về anh em
Em nghĩ về biển lớn
Từ khi nào sóng lên?”
Lối viết điệp cấu trúc “em nghĩ về” khiến câu thơ nghe sao mà da diết, khắc khoải và đau đáu đến thế. Đã bao lần “em” suy nghĩ, trăn trở băn khoăn. Mong muốn tìm được lời giải đáp cho những âu lo trăn trở trong lòng. Hình tượng em đã không còn ẩn mình trong sóng nữa mà hiện lên giữa trời biển mênh mông. Không gian đất trời cao rộng bao la khiến nhà thơ liên tưởng đến cái vô cùng, vô tận của tình yêu. Đại dương không chỉ rộng lớn mà còn đầy bí ẩn và đầy giông tố. Cũng như trong cuộc đời tình yêu không thể nào đoán định. Đẹp đẽ đấy nhưng có thể vỡ vụn bất cứ lúc nào. “Từ khi nào sóng lên?” là sự băn khoăn khao khát tìm hiểu cội nguồn của sóng, cội nguồn của tình yêu.
Ở câu thơ tiếp theo, thi sĩ cố gắng cắt nghĩa:
“Sóng bắt đầu từ gió”
Câu trả lời có chút chơi vơi, đã tìm được lời giải đáp nhưng những băn khoăn trăn trở trong lòng nhà thơ vẫn chưa được gỡ bỏ. Để rồi nữ thi sĩ lại tiếp tục đặt ra câu hỏi:
“Gió bắt đầu từ đâu”
Cội nguồn của sóng là gió. Nhưng gió bắt nguồn từ đâu? Cõi lòng nhà thơ càng thêm rối bời với những câu hỏi chồng chất để rồi buông lời thơ đầy nghẹn ngào và bâng khuâng:
“Em cũng không biết nữa”
Em băn khoăn, bối rối và bất lực khi tìm kiếm cội nguồn của sóng. Lời thơ hiện lên hình ảnh một cô gái với cử chỉ lắc đầu đầy ngượng ngùng và sự bất lực “đáng yêu”. Cái lắc đầu đầy nũng nịu bối rối khi không thể lý giải được:
“Khi nào ta yêu nhau”
Mong muốn lý giải tình yêu của nữ thi sĩ không phải là duy nhất. Xuân Diệu cũng đã từng thở than “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu”. Thật vậy, khó có thể lý giải cội nguồn, điểm xuất phát của tình yêu. Cũng như không tìm được điểm khởi nguồn có gió. Chính sự huyền bí là nhân tố khiến cho tình yêu càng trở nên hấp dẫn hơn. Mặc dù không thể hiểu được nhưng con người vẫn bất chấp để được say đắm, hòa mình cùng tình yêu.
Bốn khổ thơ đầu bài “Sóng” là sự tuôn trào của mạch cảm xúc. Thể hiện một hồn thơ Xuân Quỳnh luôn rạo rực và khao khát được yêu thương, sống với tình yêu một cách mãnh liệt nhất. Đây cũng là nét đẹp chung của những người phụ nữ Á Đông.
Trên đây là dàn ý chung và phân tích chi tiết 4 khổ đầu bài “Sóng”. Hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học tập.
Văn Học Lớp 12 -