Kể lại một trận chiến đấu ác liệt mà em đã học, đã nghe
Kể lại một trận chiến đấu ác liệt mà em đã học, đã nghe, đã xem trên màn ảnh, ở trong bài viết sau sẽ cho các em học sinh một lời giải hay và chi tiết.
Ở bài viết số 2 lớp 9 đề 3 này, chúng tôi sẽ hướng dẫn các em cách viết dàn ý chi tiết và bài văn mẫu với đề bài: “Kể lại một trận chiến đấu ác liệt”. Đây là nguồn tài liệu tham khảo rất hữu ích đối với các em học sinh lớp 9 trong bài viết số 2 sắp tới. Mời các em cùng theo dõi.
Nội Dung Bài Viết
Dàn ý kể lại một trận chiến đấu ác liệt
Mở bài
Giới thiệu về trận chiến đấu ác liệt mà em sắp kể
- Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, đất nước ta đã có biết bao nhiêu cuộc chiến đấu ác liệt để bảo vệ bờ cõi.
- Trận chiến Ngọc Hồi – Hà Hồi là trận để lại trong em nhiều cảm xúc nhất.
Thân bài
Khái quát về trận đấu
- Em biết đến trận chiến này thông qua đâu? (Qua sách báo, tivi, truyện hay nghe người khác kể lại).
- Thời gian diễn ra trận chiến? Địa điểm diễn ra trận chiến? Nguyên nhân nào dẫn đến trận chiến này? Chống giặc ngoại xâm nào?
- Người lãnh đạo cuộc chiến đấu là ai?
Diễn biến chính của trận chiến diễn ra như thế nào?
- Giai đoạn chuẩn bị chiến đấu
- Giai đoạn tấn công
- Kết quả của trận chiến (Bên nào bại, bên nào thắng? Miêu tả không khí chiến thắng, nét mặt, nụ cười của người lính, quang cảnh hoang tàn sau trận chiến,…)
Lưu ý: Ở phần này, các em nên kết hợp miêu tả tư thế, hành động của phe ta và phe địch; Quang cảnh của trận chiến như thế nào?,… Khi kể, chú ý làm nổi bật vai trò của vị tướng chỉ huy tài giỏi, anh dũng. Có thể thêm vào một vài chi tiết thể hiện tinh thần quả cảm của quân dân ta.
Ý nghĩa lịch sử của trận chiến em vừa kể
- Giành lại nền độc lập cho dân tộc Việt Nam chúng ta.
- Lật đổ âm mưu xấu xa của nhà Thanh, đặt nền tảng thống nhất quốc gia.
Kết bài
- Trình bày cảm xúc, suy nghĩ của em về trận chiến đấu ấy.
- Tự liên hệ với bản thân và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong thời đại hòa bình.
Bài văn kể lại một trận chiến đấu ác liệt
Chiến tranh là điều mà không một ai mong muốn xảy ra. Mỗi cuộc chiến đi qua đều để lại những vết thương khó lành cho cả người tham chiến và người ở lại. Thế nhưng một khi bờ cõi nước nhà bị xâm lăng, quân dân ta buộc phải đứng lên chiến đấu với quân địch tàn ác . Suốt chiều dài lịch sử Việt Nam có biết bao nhiêu cuộc chiến ác liệt, thế nhưng trận chiến để lại trong em nhiều cảm xúc nhất khi đọc đó chính là trận Ngọc Hồi – Hà Hồi diễn ra vào năm 1789. Cùng quay ngược thời gian trở về thời kì phong kiến của nước ta, giai đoạn mà vua Quang Trung đại phá quân Thanh nhằm bảo vệ đất nước khỏi thế lực phương Bắc.
Nước Đại Việt giai đoạn cuối thế kỷ 18 chia cắt bởi nhiều thế lực. Họ tranh nhau nhằm mục đích chiếm giữ đất nước. Lê Chiêu Thống lúc này đang cai trị ở phía Bắc thất thế bèn cầu cứu nhà Thanh. Viện cớ sang giúp triều đình nhà Lê, quân Thanh tiến vào nước ta mà không hề tổn hại một binh lính nào. Vì được vua Lê nhượng bộ, quân Thanh ra sức vơ vét, đàn áp dân ta và gây ra biết bao tội ác. Thật tàn nhẫn biết bao!
Nghe tin, Nguyễn Huệ lập tức xưng ngôi hoàng đế lấy hiệu là Quang Trung vào năm 1788. Nhà vua họp bàn và quyết định tiến quân ra phía Bắc, đây trở thành cuộc hành quân thần tốc nhất trong lịch sử.
Trước khi chiến đấu, vua Quang Trung khích lệ tinh thần các chiến sĩ, cho họ ăn Tết sớm để có nhuệ khí chiến đấu. Khi hội quân ở Tam Điệp, ông đã thưởng phạt các binh lính một cách hợp lý. Ông đã dùng tội biến thành cơ hội để họ sửa chữa. Đúng là một con người anh minh, sáng suốt, có tầm nhìn xa trông rộng và biết dùng người! Cả đoàn quân của vua Quang Trung hành quân ngày đêm không nghỉ.
Quang Trung vì đã nắm được kế hoạch của nhà Thanh nên đã chia quân Tây Sơn ra làm 5 đạo chính. Vào đêm giao thừa Tết Kỷ Dậu, đạo quân của Quang Trung đã vượt sông Gián Thuỷ, mở màn cho cuộc đại phá quân Thanh.
Vào đêm mùng 3 Tết Kỷ Dậu, quân Tây Sơn bí mật dàn trận bao vây đồn Hà Hồi, uy hiếp địch và bắt sống hàng vạn quân Thanh. Mùng 4 Tết, quân Tây Sơn chuẩn bị tiếp cận Ngọc Hồi. Dưới sự lãnh đạo tài ba của Quang Trung, quân ta vây kín làng rồi sai bắc loa kêu gọi quân Thanh đầu hàng. Quân Thanh bị bất ngờ trước sự tiến công quá nhanh của quân Tây Sơn, không kịp kháng cự, vội vàng ra hàng và để mất hết lương thực, binh khí vào tay quân Tây Sơn. Càng về sau, vua Quang Trung càng chứng tỏ được tài năng của mình. Ông có cách đánh giặc đầy mưu trí, khéo léo, vừa không làm tổn thất quân ta, vừa giành được thắng lợi nhanh chóng.
Đội quân của Quang Trung trông rất hùng hậu, chỉ cần nhìn thôi cũng đủ khiếp sợ. Vua Quang Trung đích thân đốc thúc đại quân, tiến sát đến đồn Ngọc Hồi vào tờ mờ sáng mồng 5 Tết. Quân Tây Sơn bao vây đồn mà quân Thanh không hề hay biết. Khi phát hiện đã bị bao vây, quân Thanh lợi dụng hướng gió Bắc, tung khói lửa về hướng quân Tây Sơn. Nhưng không ngờ trời đột ngột đổi gió khiến quân Thanh tự làm hại mình. Lợi dụng tình thế rối ren đó, quân Tây Sơn thừa thắng xông lên. Tiếng gươm giáo va chạm vào nhau nghe thật ác liệt. Nhờ lợi thế về tình hình thời tiết cũng như địa hình, quân ta đã giành được ưu thế. Vua Quang Trung oai phong, lẫm liệt ngồi trên voi dẫn đường. Đoàn quân cứ thế xông lên tiêu diệt phe địch một cách dễ dàng.
Bị đội quân của vua Quang Trung bao vây, đồn Ngọc Hồi rơi vào thế thất thủ. Xác của quân địch nằm la liệt trên đất. Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử, số quân địch còn lại bị bắt làm tù binh. Sáng mùng 5 tiến công và chỉ tới trưa, quân Tây Sơn đã chiếm xong đồn Ngọc Hồi. Vua Quang Trung cùng quân đội tiến vào thành trong sự chào đón nhiệt liệt của người dân.
Trận Ngọc Hồi – Hà Hồi đại thắng đã chứng tỏ nghệ thuật quân sự tuyệt vời của quân Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của vua Quang Trung. Sau trận chiến đấu giành thắng lợi vĩ đại này, dân tộc ta đã đập tan khát khao xâm lược của quân Thanh, giải phóng hoàn toàn kinh thành Thăng Long, giữ vững nền độc lập cho nước nhà. Không những thế, chiến thắng này còn đánh dấu việc nhà Tây Sơn chính thức thay nhà Hậu Lê trong việc cai quản đất nước và trong quan hệ với nhà Thanh.
Chiến công thần tốc đại phá quân Thanh đã trở thành một vết son chói lọi trong lịch sử nước nhà. Qua đó, ta thấy được trách nhiệm của thế hệ con cháu sau này trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Như Bác Hồ đã từng nói:” Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Đối với đề bài: “Kể lại một trận chiến đấu ác liệt trong lịch sử” được đề cập trong bài viết số 2 lớp 9 như trên, các em học sinh cần dựa trên những tài liệu lịch sử và kiến thức đã học cùng lời văn tự sự hấp dẫn để kể lại diễn biến trận đánh một cách chi tiết và chuẩn xác nhất. Vậy là chúng tôi đã hướng dẫn các em xây dựng dàn ý cơ bản và bài văn mẫu cho bài văn :”Kể về một trận đánh ác liệt”. Các em có thể dựa vào đó để tham khảo cho bài tập làm văn sắp tới của mình. Chúc các em đạt điểm cao.
- Xem thêm: Đóng vai ông họa sĩ kể lại truyện Lặng lẽ Sa Pa chi tiết
Đóng vai ông họa sĩ kể lại truyện Lặng lẽ Sa Pa chi tiết
Dàn ý và bài văn thuyết minh về hoa đào ngày Tết hay
Dàn ý tưởng tượng 20 năm sau về thăm trường cũ hay nhất
Nghị luận về lòng tự trọng hay nhất ( Dàn ý + Văn Mẫu )
Cảm nhận khổ 4, 5 bài Mùa xuân nho nhỏ hay nhất
Đóng vai ngư dân kể lại Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận
Cảm nhận khổ 2 bài Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh